Tuyên bố về Hỗ trợ Di cư Lao động trong Đại dịch COVID-19 [MMN Statement on Supporting Migrant Workers during the COVID-19 Pandemic in Vietnamese]

Ngày 9 tháng 11 năm 2020
Để Đăng Ngay – hướng tới Diễn đàn Lao động Di cư ASEAN lần thứ 13


Mạng lưới Di cư Khu vực Mê-Công
Tuyên bố về Hỗ trợ Di cư Lao động trong Đại dịch COVID-19

Việt Nam đăng cai Diễn đàn Lao động Di cư ASEAN lần thứ 13 (AFML) từ ngày 10 đến 12 tháng 11/2020. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Vào tháng 5/2020, các bộ trưởng Lao Động ASEAN đã ra Tuyên bố chung về ứng phó với các tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với lao động và việc làm. Trong tuyên bố này, các bộ Trưởng nhất trí “cung cấp sự trợ giúp và hỗ trợ phù hợp cho người lao động di cư ASEAN bị ảnh hưởng bởi đại dịch ở mỗi quốc gia hoặc ở các nước thứ 3, bao gồm việc triển khai hiệu quả Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của Người lao động Di cư, hướng tới bảo đảm sức khỏe, hạnh phúc và an toàn của họ cũng như tạo điều kiện cho họ di chuyển và đoàn tụ họ với gia đình.” [1]

Mạng lưới Di cư khu vực Mê Công (MMN), một mạng lưới hơn 40 tổ chức xã hội dân sự cùng làm việc nhằm bảo về và thúc đẩy quyền của người di cư, tiếp tục kêu gọi ASEAN và chính phủ các nước thành viên phải hành động ngay để hỗ trợ về phúc lợi cho người di cư và gia đình họ trong đại dịch COVID-19.[2] Từ khi dịch bùng phát, MMN đã liên tục theo dõi tình hình và thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của đại dịch lên những cộng đồng di cư khắp Tiểu vùng Sông Mê Công Mở rộng (GMS).

Rút ra từ kết quả nghiên cứu sơ bộ trong nghiên cứu sắp ra mắt của chúng tôi, MMN nhân dịp AFML lần thứ 13 để chỉ ra những vấn đề lo ngại đang ảnh hưởng tới người di cư trong đại dịch hiện nay. Theo đúng tinh thần hợp tác khu vực phản ánh trong Thông cáo chung ASEAN đươc đề cập phía trên, chúng tôi cũng đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho chính phủ các nước thuộc Tiểu vùng Sông Mê Công Mở rộng và ASEAN để đảm bảo thực thi hoàn chỉnh những cam kết mà các chính phủ và ASEAN đã đề ra.

Tổng Quan

Trong những tháng gần đây, người di cư dọc Tiểu vùng Sông Mê Công Mở rộng đối mặt với những thách thức chưa từng có bởi đại dịch COVID-19. Bất chấp những đóng góp xã hội và kinh tế quan trọng của họ ở cả nước gốc và nước đến, người di cư vẫn ở trong số những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng hiện nay. Nhiều người di cư làm việc trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và đã mất việc làm hoặc bị ép làm việc với mức lương bị cắt giảm sâu. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi phần lớn những người di cư và gia đình họ có ít hoặc không có tiếp cận với những lưới an sinh xã hội. Đáng tiếc rằng những gói cứu trợ kinh tế mà chính phủ các nước Mê Công triển khai nhìn chung không bao trùm người không phải công dân nước tiếp nhận. Nhiều di dân ở Mê Công mất việc làm do hậu quả của đại dịch đã bị từ chối tiền bồi thường thôi việc từ chủ lao động và trợ cấp thất nghiệp từ các cơ quan có thẩm quyền. Nhiều người không có đủ tiền tiết kiệm để sống qua ngày và phải vay mượn để chi trả những khoản phí thường nhật. Cú sốc kinh tế đã làm cho tình trạng bấp bênh của họ nay lại càng nguy nan, tới mức nhiều người nay phải đối mặt với tình trạng nghèo cùng cực và vô gia cư.

Đi tìm một công việc mới trong tình trạng hiện tại là vô cùng khó, khi nền kinh tế đã bị suy yếu và bởi những quy định chặt chẽ hạn chế người di cư thay đổi công việc của mình. Nhiều người đang tìm đến những công việc tạm thời như lao động công nhật hưởng lương theo ngày để sinh sống. Trong khi đó, lựa chọn trở về nước gốc lại đặt ra một loạt những khó khăn riêng, cả trong việc tìm cách sắp xếp hồi hương khi đi lại bị hạn chế, lẫn những khó khăn kinh tế sau khi trở về nhà.

Phán ánh tình trạng liên tục biến chuyển, những người di cư cũng có chung cảm giác bất trắc và hoang mang về những quyền hợp pháp và và quyền lợi mà họ được hưởng, khả năng hồi hương hoặc tái xuất cư, và những chi phí và thủ tục phát sinh liên quan đến đại dịch.

Sau khi hồi hương, nhiều người di cư thuật lại là họ không nhận được hỗ trợ nào, trong khi vẫn phải cố sống qua ngày ở nước gốc của họ. Mặc dù dân cư ở Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng có tính lưu động cao, hiện tại có ít hoặc chưa có cơ chế an ninh xã hội liên thông. Thực tế này đã ngăn cản những người di cư hồi hương nhận được những lợi ích từ những khoản họ đã đóng góp vào chương trình an ninh xã hội khi đang làm việc ở nước ngoài. Campuchia, Myanmar, và Việt Nam đã thể hiện quyết tâm xây dựng các cơ chế an ninh xã hội liên thông với các nước đến quan trọng. Cho dù ở Việt Nam, một số yếu tố của an sinh xã hội liên thông đã được đưa vào Dự Thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) [3], những bước tiến nhỏ này không thể giấu đi thực tế là các nước phái cử di cư ở Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng chưa thành công trong việc thiết lập bất cứ cơ chế nào giúp người lao động di cư thụ hưởng những lợi ích mà có thể được chuyển giao từ nước họ đến.

Trong khi đó, những người chuẩn bị di cư, khi đã chi trả phí đào tạo, lệ phí thi, phí tuyển dụng, và phí làm hồ sơ nhưng chưa được xuất cư do ảnh hưởng dịch, kể lại rằng họ thấy khó khăn trong việc nhận lại những khoản đã đóng từ doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Cùng lúc, nhiều người di cư hồi hương trong đại dịch giờ đang muốn hoặc đang trong quá trình tái xuất cư. Khi mà những nước tiếp nhận lao động quan trọng đang dần mở cửa biên giới trở lại và tái khởi động những chương trình tuyển dụng, một số lượng lớn dần những người di cư, cả những người vừa hồi hương và những người mới được tuyển dụng, sẽ tìm kiếm cơ hội xuất cư. Trong quá trình này, người chuẩn bị di cư đang lo lắng rằng họ bị bắt phải đóng tiền cách ly và các chi phí liên quan đến dịch bệnh khác, ngay cả khi chính sách quy định họ không phải trả những chi phí này.

Vào ngày 4 tháng 8/2020, nội các Thái Lan thông qua kế hoạch của Bộ Lao Động cho phép hơn nửa triệu người di cư với đủ giấy tờ cần thiết được tiếp tục công việc của họ đến cuối tháng 5 năm 2022. Nội các cũng thông báo rằng những người di cư lao động có chủ lao động đã được cấp phép đưa lao động từ nước ngoài vào nay có thể nhập cảnh vào Thái Lan. Quyết định làm giảm đi những điều kiện nhập cảnh phản ánh vai trò quan trọng của lao động nhập cư đối với nền kinh tế Thái Lan. Tầm quan trọng đó còn được phản ánh rõ hơn ở Nhật Bản, một điểm đến phổ biến khác của người di cư đến từ tiểu vùng Mê Công, đất nước đang đối diện thiếu hút lao động trầm trọng ở những lĩnh vực như nông nghiệp, nơi phụ thuộc vào lao động di cư ở mức cao. Tình trạng hạn chế đi lại đã thể hiện rõ rằng người di cư cấu thành nên xương sống của nền kinh tế ở những xã hội đang lão hóa dần.

Mặc dù vậy, thay vì đi tìm những giải pháp thực dụng để tạo điều kiện cho dòng di cư mà không làm nguy hại đến sức khỏe cộng động, nhiều quốc gia lại tìm đến những biện pháp thắt chặt kiểm soát biên giới và xét xử người di cư vì những vi phạm liên quan tới nhập cư. Quyết định của Thái Lan cho việc gia hạn giấy phép lao động, mặc dù đáng hoan nghênh, nhưng chỉ áp dụng với người di cư có giấy tờ hợp lệ, mà không tính đến tình trạng nguy cấp mà nhiều người lao động không có (đủ) giấy phép đang gặp phải.

Khuyến Nghị

Để giảm bớt những vấn đề mà người di cư Tiểu vùng Sông Mê Công mở rộng đang gặp phải trong đại dịch COVID-19, MMN đề nghị cơ quan thẩm quyền có liên quan khẩn cấp thực hiện những khuyến nghị sau đây:

Đối với Chính phủ của Quốc gia Gốc (Quốc gia phái cử)

  1. Đảm bảo xuất cư an toàn bằng việc cung cấp cho người chuẩn bị di cư những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19, bao gồm thông tin về: thủ tục cách ly và kiểm tra sức khỏe bắt buộc khác; những biện pháp sức khỏe và an toàn lao động áp dụng trong đai dịch; cơ chế báo cáo khiếu nại; cách tiếp cận công lý, và quyền an ninh xã hội và y tế được hưởng ở nước di cư đến.
  2. Cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ về việc hồi hương cho người di cư, trong đó bao gồm: chi phí cách ly, thủ tục cần thiết và địa chỉ liên lạc hỗ trợ có ích; và nỗ lực giữ bất kể chi phí nào ở mức thấp nhất.
  3. Củng cố sự trợ giúp của các phái bộ ngoại giao và tuỳ viên lao động trong việc: tăng cường cung cấp thông tin cho người di cư qua nhiều kênh thông tin khác nhau; bảo đảm đầy đủ nhân sự để hồi đáp những câu hỏi và khiếu nại của người di cư; và tăng hiệu quả cũng như năng lực của các dịch vụ hỗ trợ đến từ đại sứ quán.
  4. Giám sát những cơ sở tuyển dụng lao động để đảm bảo những lao động muốn nhưng không thể xuất cư có thể chấm dứt hợp đồng và được hoàn lại tiền và giấy tờ tùy thân mà họ đã nộp.

Đối với Chính phủ của Quốc gia Đến (Quốc gia tiếp nhận)

  1. Đảm bảo người sử dụng lao động đền bù toàn bộ số tiền dư thừa mà họ phải trả cho người di cư lao động
  2. Cho phép người di cư lao động được linh động hơn trong việc làm, ví dụ như giảm bớt các lệnh hạn chế người di cư thay đổi công việc, cho phép họ làm thêm công việc khác, hay đào tạo lại kỹ năng.
  3. Thực hiện những biện pháp cứu trợ kịp thời và hợp lý nhằm giúp đỡ cho tất cả lao động di cư bị mất việc làm. Những biện pháp đặc biệt để tạo điều kiện kéo dài thị thực, ân xá, hay giấy phép lao động và cư trú có thể đóng góp hơn nữa vào việc đảm bảo cho người lao động di cư được tiếp cận với những dịch vụ cơ bản cũng như để họ có thể tiếp tục cống hiến sức mình vào lực lượng lao động.

Đối với cả Quốc gia Gốc (Phái cử) và Quốc gia Đến (Tiếp nhận)

  1. Hợp tác nhằm thực hiện mô hình không phí tuyển dụng, trong đó toàn bộ chi phí di cư được người sử dụng lao động chi trả hoặc được chính phủ hỗ trợ. Ở đâu có sự mơ hồ không rõ ràng, ví dụ như chi phí cách ly cho người di cư, chính phủ phải ban hành hướng dẫn rõ ràng ai có trách nhiệm chi trả và tạo cơ chế để đảm bảo tiền lương và phúc lợi của người lao động không bị khấu trừ để bù vào những khoản ấy.
  2. Nhấn mạnh việc ứng phó theo hướng sức khỏe công và nhân đạo đối với đại dịch. Mọi nỗ lực nên hướng đến việc cung cấp những biện pháp cách ly với chi phí thấp và kiểm tra y tế tại cửa khẩu, chứ không phải tăng cường quân đội hóa đường biên giới.
  3. Xây dựng gấp cơ chế liên thông cho hệ thống an sinh xã hội
  4. Phối hợp thực hiện kế hoạch chuẩn bị trong đại dịch bao gồm những nội dung sau: bảo đảm hồi hương và tái xuất cư an toàn và chi phí trong khả năng chi trả của người di cư; tiếp cận những phúc lợi an sinh xã hội; đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ về sức khỏe và pháp lý cho người di cư lao động; và đảm bảo tiếp cận công lý.

Đối với ASEAN

  1. Liên tục đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến dân di cư và xác định những lĩnh vực cần một giải pháp ứng phó ở tầm khu vực.
  2. Giám sát và điều phối việc thi hành những cam kết được liệt kê trong Tuyên bố chung về ứng phó với các tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với lao động và việc làm, đồng thuận vào tháng 5/2020.

 

Về MẠNG LƯỚI DI CƯ KHU VỰC MÊ CÔNG

Thành lập năm 2003, Mạng lưới Di cư Khu vực Mê Công (MMN) là một mạng lưới những tổ chức xã hội dân sự và viện nghiên cứu cùng làm việc nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người di cư và gia đình họ ở Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng. Các lĩnh vực phối hợp hành động của MMN bao gồm hợp tác nghiên cứu, vận động, xây dựng năng lực và trao đổi mạng lưới. Những thành viên của MMN hoạt động ở cả quốc gia di cư gốc và quốc gia đến, có chuyên môn đặc biệt từ thực địa, và giữ tiếp xúc mật thiết với người di cư lao động. Thông tin thêm về MMN có tại website: www.mekongmigration.org

Để biết thêm thông tin về Tuyên bố này, mời liên lạc với:

Bà Reiko Harima, MMN Điều phối Khu vực (tiếng Anh và tiếng Nhật) tại: reiko@mekongmigration.org

Ông Nguyen Manh Tuan, MMN Điều phối Dự Án (tiếng Việt và tiếng Anh) tại: tuan@mekongmigration.org; hoặc +84 394327031

Bà Kim Thi Thu Ha, Giám Đốc, Trung Tâm Phát Triển và Hội Nhập (tiếng Việt và tiếng Anh) tại: ha.kimthu@cdivietnam.org; hoặc +84 975858899

Bà Winnie Sachdev, MMN Cán bộ nghiên cứu và vận động (tiếng Thái lan và tiếng Anh) tại: winnie@mekongmigration.org; hoặc +66957294500

Ông Brahm Press, Giám Đốc, MAP Foundation (tiếng Thái lan và tiếng Anh) tại: brahm.press@gmail.com

Ông Sokchar Mom, Giám Đốc, Legal Support for Children and Women, Campuchia (tiếng Khmer và tiếng Anh) tại: sokchar_mom@lscw.org; hoặc +855 12943767

Bà Thet Thet Aung, Giám Đốc, Future Light Center, Myanmar (tiếng Myanmar) tại: thet2aung2012@gmail.com

Hoặc liên lạc với văn phòng Ban Thư Ký của MMN tại + 66 (53) 283259.

_____________________________________________________________________

[1] Tuyên bố chung về ứng phó với các tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với lao động và việc làm, tham khảo tại
http://molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222598.

[2] Tuyên bố của Mạng lưới Di cư khu vực Mê-công về tác động của COVID-19 đến người di cư ở Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng, tham khảo tại https://mekongmigration.org/?p=14877.

[3] Điều 6, khoản 1đ. Dự Thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Tham khảo tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Luat-Nguoi-lao-dong-Viet-Nam-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-sua-doi-439844.aspx.